Chuyến tàu nối kết tương lai

Nếu có một lúc nào đó bạn khó chịu vì tuyến đường Lê Lợi bị hạn chế lưu thông, các “lô-cốt” mọc lên chắn Nhà hát Thành phố hay chặn bùng binh Quách Thị Trang… hãy biết rằng điều đó chỉ để phục vụ bạn, ngày mai.

Nếu có một lúc nào đó bạn khó chịu vì tuyến đường Lê Lợi bị hạn chế lưu thông, các “lô-cốt” mọc lên chắn Nhà hát Thành phố hay chặn bùng binh Quách Thị Trang… hãy biết rằng điều đó chỉ để phục vụ bạn, ngày mai.

Fieltrip Xay dung 2017 Metro TPHCM 08

Đoàn chúng tôi chụp hình lưu niệm trước công trình metro TP.HCM.

Sáng 11/3, 32 sinh viên ngành Kỹ thuật Công trình Xây dựng thuộc chương trình Chất lượng cao và Liên kết Quốc tế – Đại học Bách khoa đã có chuyến kiến tập tại công trình nhà ga metro Bến Thành, Nhà hát Thành phố (Q.1) và công trình tuyến metro trên cao tại Q.2, TP.HCM. Với chúng tôi, đó không chỉ là một chuyến tham quan, học tập tại thực địa mà là chuyến trải nghiệm đầy thú vị, bổ ích, để thêm tin yêu vào ngành học, trường học của mình cũng như tin tưởng vào sự phát triển của thành phố trong tương lai không xa.

Bài học số 1 của chúng tôi: An toàn lao động – tất cả các sinh viên và giảng viên đều phải đội nón bảo hộ, mặc áo phản quang và ủng trước khi được phép bước vào công trường. Ngành xây dựng của chúng tôi luôn đối mặt với nhiều nguy cơ gặp tai nạn lao động nên trước khi mộng mơ đến những công trình kỳ vĩ, chúng tôi phải tập cẩn thận ở những điều nhỏ nhất.

Fieltrip Xay dung 2017 Metro TPHCM 01

Sinh viên được trang bị nón bảo hộ và áo phản quang trước khi vào công trường.

Chúng tôi được các kỹ sư công trình giới thiệu về tổng thể dự án tuyến metro Bến Thành  Suôi Tiên và phương pháp thi công gói thầu nhà ga Bến Thành.

Tại công trình nhà ga Bến Thành, lần đầu chúng tôi được thấy cách các kỹ sư, công nhân thực hiện tường bao để bảo vệ công trình. Những bức tường dày đến 1 m, sâu hơn 50 m sẽ giữ nhiệm vụ bảo vệ cho nhà ga và dọc theo tuyến ngầm dưới lòng đất. Bạn biết không, những bức tường ấy còn giúp chống đỡ cho các toà nhà xung quanh, đảm bảo việc thi công công trình to lớn này sẽ không ảnh hưởng đến các công trình lân cận.

Trước câu hỏi của sinh viên về sự ảnh hưởng của công trình đối với mạch nước ngầm, các kỹ sư công trường đã cặn kẽ giải thích cách những bức tường bảo vệ sẽ ngăn chặn nước tràn từ sông vào công trình, cách nước ngầm sẽ được bơm khỏi công trình ra sao. Điều quan trọng, việc thi công còn phải đảm bảo không được xâm hại đến cây xanh trong khu vực. Những bồn hoa nhỏ buộc phải dời đi cũng sẽ được tái tạo, trả lại cho thành phố sau khi quá trình xây dựng hoàn tất. Chúng tôi dựng lên, làm đẹp, chứ không huỷ hoại.

Chúng tôi may mắn là một trong số ít người được trực tiếp quan sát công trình xây dựng metro.

Dưới tầng hầm công trình trước Nhà hát Thành phố, sinh viên được giới thiệu một kỹ thuật đào hầm, xây dựng khác so với nhà ga Bến Thành.

Ở khu vực ga trước Nhà hát Thành phố, chúng tôi được tiếp cận với một kỹ thuật xây dựng khác khi thi công công trình ngầm. Bởi không thể đào hở tại khu vực này (có quá nhiều nhà cao tầng, trọng yếu xung quanh), nhà ga được thực hiện bằng cách đào tập trung ở các vị trí xác định sẵn và thi công hoàn toàn trong lòng đất. Vì phải chuyển đất đến các khu vực tập trung, đào xuyên lòng đất bằng robot nên tốc độ thi công ở khu vực này chậm hơn hẳn so với tại nhà ga Bến Thành. Nhưng, chúng tôi đã nói với bạn chưa nhỉ, đó là cách chúng tôi đặt sự an toàn của mọi người, của các công trình lên trên hết.

Bên trong lòng đất, những tường vách đã mọc lên. Những trụ chống đỡ sừng sững qua các tầng là cái bạn sẽ không thấy trong tương lai, khi công trình đã hoàn thiện; nhưng với chúng tôi thì đó là những thứ rất quen thuộc trong cả hành trình học tập và làm việc của mình sau này.

Fieltrip Xay dung 2017 Metro TPHCM 05

Háo hức thăm công trình xây dựng trên cao tại Q.2  nơi trong tương lai, người dân thành phố sẽ nhìn thấy những chuyến tàu lao đi vun vút

Nếu bạn chưa biết, những chiếc lỗ bé xíu này trên suốt tuyến metro giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với an toàn của công trình: chống động đất.

Ngày mai, dưới chân chúng tôi, sẽ là những đường ray hiện đại nâng đỡ những chuyến tàu đưa thành phố đến tương lai.

Rời nhà ga Nhà hát Thành phố, chúng tôi đến Q.2 để chứng kiến nhà ga trên cao – nơi mà nếu có dịp đi ngang, bạn sẽ chỉ thấy những cột trụ và bệ đỡ như những chiếc cầu vượt. Không chỉ thế đâu! Phía trong các bệ đỡ ấy, mai đây sẽ là hai đường tàu xuôi ngược, đưa thành phố này tiến vào tương lai hiện đại và rực rỡ. Mai đây, bạn sẽ thấy ở đó những con tàu vun vút lao đi, mang theo hành khách và hàng hóa. Nhưng bây giờ, dưới chân chúng tôi chỉ là những khối bê tông, mỗi khối nặng đến 5 tấn; những trụ chống bảo vệ công trình khỏi những cơn động đất (nếu có). Mai đây, khi bước lên những chuyến tàu này, có thể bạn sẽ nhớ hoặc sẽ thắc mắc về những con người đã tạo nên chúng. Đó chính là các kỹ sư, công nhân xây dựng. Trong số họ có nhiều người là những cựu sinh viên Bách khoa – chính là chúng tôi của ngày mai.

Điều đáng tiếc nhất: Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sẽ hoàn thành vào năm 2020 – khi chúng tôi vẫn chưa tốt nghiệp. Chúng tôi sẽ không thể tham gia vào quá trình xây dựng tuyến tàu lịch sử này. Nhưng có hề gì! Chúng tôi sẽ đến với những công trình mới, như những con người Bách khoa.

Bài: PHẠM THÀNH NHÂN – giảng viên Lớp Nhiếp ảnh, học kỳ Pre-University

NGUYỄN THỊ THẢO AN – sinh viên K16 ngành Công nghệ Thực phẩm, chương trình Chất lượng cao

Ảnh: PHẠM THÀNH NHÂN

Bài trước

Bài tiếp