Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Hồi xưa thi Bách Khoa, em bị nhiều người… cản

Chỉ vì quan niệm khi đó cho rằng, Bách Khoa là trường chuyên về kỹ thuật chứ không phải kinh tế – Lê Khánh Nhân, sinh viên chương trình Liên kết Quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh K2012, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, bộc bạch. Sau hai năm theo học tại Trường, chàng cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đã chứng minh lựa chọn của mình là đúng.

Chỉ vì quan niệm khi đó cho rằng, Bách Khoa là trường chuyên về kỹ thuật chứ không phải kinh tế – Lê Khánh Nhân, sinh viên chương trình Liên kết Quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh K2012, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, bộc bạch. Sau hai năm theo học tại Trường, chàng cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đã chứng minh lựa chọn của mình là đúng.

 Lê Khánh Nhân quyết tâm theo đuổi chương trình Liên kết Quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh với mong muốn tự quản trị hiệu quả cuộc đời mình.

“Khi vừa bước chân khỏi cấp III, em đứng trước rất nhiều sự lựa chọn khác nhau: học trong nước, du học ngay, du học tại chỗ… Nhưng cuối cùng em đã chọn Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, thứ nhất là tại… gần nhà, thứ hai là vì em rất thích ngành Quản trị Kinh doanh theo mô hình Liên kết Quốc tế 2+2” – Khánh Nhân mở đầu câu chuyện với người viết từ cách… nửa vòng Trái Đất, tại Trường ĐH Illinois ở thành phố Springfield, Mỹ (University of Illinois at Springfield, UIS), nơi Nhân sẽ hoàn tất hai năm cuối theo lộ trình đào tạo của chương trình.

“Thú thật là khi em quyết định như vậy, có rất nhiều người… cản, vì Bách Khoa xưa nay chuyên về kỹ thuật chứ không phải về kinh tế. Điều đó là đúng nhưng không có nghĩa là Bách Khoa không đào tạo tốt ở lĩnh vực này, mà trái lại, rất chuyên nghiệp và bài bản. Hơn nữa, các thầy cô – đa phần là thuộc Khoa Quản lý Công nghiệp, đều sử dụng tiếng Anh khi giảng bài, tạo điều kiện cho sinh viên (SV) rèn luyện không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn khả năng sử dụng ngoại ngữ nữa.

Cho đến giờ phút này, em khẳng định là nếu thời gian có trở lại thì em vẫn chọn chương trình Đào tạo Quốc tế của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM (BK-OISP) làm nơi để học tập và rèn luyện, vì sau hai năm học tập, em cảm thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn, học hành tiến bộ hơn và đơn giản là em cảm thấy hạnh phúc khi ở đây.”

* Có một lý do chung lớn để nhiều bạn trẻ chọn học ngành Quản trị Kinh doanh: trở thành sếp. Phải vậy không?

– Hic. Nói vậy thì oan cho dân Quản trị Kinh doanh quá, bởi học ngành này đâu phải là để làm sếp đâu. Thực ra các ngành khác đều có thể làm sếp đấy ạ, bác sĩ thì cũng có bác sĩ trưởng, kỹ sư thì cũng có kỹ sư trưởng… Làm sếp hay không đó là tùy thuộc vào năng lực và sự yêu nghề của mỗi người. Đối với em, học Quản trị Kinh doanh là để quản trị cuộc đời mình tốt và mơ ước của em là trở thành một nhà quản lý giỏi.

>> Bốn SV BK-OISP nhận học bổng ĐH Công nghệ Toyohashi

 Một số thành tích khiêm tốn của anh chàng khi còn là tân SV K2012.

* Được biết em rất mê văn hóa của xứ sở mặt trời mọc, học tiếng Nhật, khoái ăn sushi… Vì sao em lại chọn chương trình chuyển tiếp đi Mỹ mà không phải là Nhật?

– Dạ vâng, em rất thích văn hóa của người Nhật, khoái ăn sushi, mê đọc truyện tranh Doraemon từ bé. Nhưng Nhật Bản chỉ là một trong nhưng nơi mà em muốn khám phá thôi, vì em còn thích nhiều nền văn hóa khác nữa. Bản thân em rất thích giao lưu với các bạn ngoại quốc đến từ nhiều đất nước khác nhau để mình có cơ hội mở mang tầm mắt. Em nghĩ, muốn kết thân được với họ thì ít nhất mình phải hiểu về họ đã, hoặc chí ít là biết một chút về ngôn ngữ của họ. Nhiều người nước ngoài sang đây nước mình chào em bằng một câu tiếng Việt ngắn xíu thôi em cũng đã thích lắm rồi, nên em cũng muốn học ngôn ngữ của họ để tạo thiện cảm với họ. Tiếng Nhật của em thì thú thiệt là… ẹ lắm, nhưng ít nhất em cũng giao tiếp được bằng những câu cơ bản và làm cho họ hiểu được mình.

Em chuyển tiếp sang Mỹ vì đó là một phần trong chương trình đào tạo Liên kết Quốc tế của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Hơn nữa, tại Mỹ – một quốc gia đa sắc tộc, em có cơ hội làm quen với nhiều bạn bè quốc tế hơn bất kỳ xứ sở nào khác.

>> Một tuần gõ cửa tri thức: sự tương phản lạ lùng

Le Khanh Nhan 02

Lê Khánh Nhân (bìa phải), cùng ba sinh viên BK-OISP nhận học bổng Giao lưu SV quốc tế của Trường ĐH Công nghệ Toyohashi. Học bổng này cấp cho SV có thành tích học tập tốt và hoạt động cộng đồng tích cực. Với học bổng này, Khánh Nhân có một tuần để giao lưu, học hỏi, trao đổi tri thức và khám phá những nét thú vị của đất nước và con người Nhật Bản.

* Việc chọn học Nhu đạo (Judo), một môn võ thuật xuất xứ từ Nhật Bản, có liên quan gì đến niềm say mê văn hóa Nhật của Nhân?

– Lúc trước em được một người bạn rủ đi học, chủ yếu để rèn luyện sức khỏe và tự vệ bản thân thôi. Môn võ này có một đặc điểm khá hay là phải học… ăn đòn trước khi học những thế tấn công khác. Và mỗi khi ngã xong thì phải lập tức đứng dậy ngay mặc dù sau đó có thể… ăn đòn tiếp. Tập một thời gian thì em thấy mình khỏe hơn thật (vì ăn đòn quá nhiều ^^) và em cũng học được sự kiên nhẫn, không bỏ cuộc từ chính môn võ này. Vì trong cuộc sống này ai cũng có đôi lần vấp ngã, nhưng điều quan trọng là phải cố gắng đứng lên để đi tiếp.

Võ thuật giúp Khánh Nhân rèn luyện tính kiên trì, không ngại khó.

* Em có gặp khó khăn gì khi mới bước chân vào môi trường BK-OISP?

– Nhiều khó khăn lắm ạ. Nhất là để hòa đồng được với mọi người. Hồi ở cấp III, em toàn gặp những bạn sống trong thành phố, suy nghĩ giống, hành động cũng giống… Nhưng khi lên ĐH, vào Bách Khoa rồi thì đúng là “tứ hải giai huynh đệ”, mỗi bạn đến từ từng nơi, vùng miền khác nhau, mang theo nhiều nền văn hóa bản địa khác biệt. Em và các bạn đã phải trải qua nhiều đợt mâu thuẫn, cãi vã với nhau đến xám cả mặt mày rồi sau đó mới thân nhau được. Nhưng kể ra cũng vui, va chạm nhiều để hiểu hơn về nhau cũng là một trải nghiệm thú vị.

Phương pháp học ở ĐH cũng khác so với hồi phổ thông, vì hầu hết kiến thức đều phải được đọc từ sách trước khi lên lớp và mỗi người đều phải cố gắng tự học thì mới có thể thành công được.

>> Một tuần gõ cửa tri thức: rào cản kỹ năng làm việc nhóm

* Em tự đánh giá phương pháp học tập hiện tại của mình đã hiệu quả chưa?

– Theo em thì vẫn chưa tốt. Vì em cho rằng mình vẫn có thể làm tốt hơn nữa nếu như dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Qua đây (Mỹ) học, khó khăn càng chất chồng, em phải cố gắng tập trung nhiều thời gian nữa cho việc học chuyên ngành cũng như tham gia các hoạt động phong trào.

Kinh nghiệm học tốt ở bậc ĐH của em đó là phải nỗ lực và chuyên cần (thậm chí còn phải hơn) như lúc ôn thi ĐH. Mặc dù em không nghĩ là phương pháp học hiện tại của em là tốt, nhưng em tự hào là trong suốt hai năm học ở BK-OISP, trừ những lúc bệnh, em đã không “cúp” một buổi học nào, bất kể đó là học chính hay là học TA (học ôn cùng trợ giảng). Bởi em tâm niệm “cần cù bù thông minh”, mọi cố gắng của mình rồi sẽ được đền đáp nếu như mình thật sự nỗ lực.

Le Khanh Nhan 01

Với Bích Hằng (trái), bạn thân và cũng là đối thủ sừng sỏ.

* Việc đọc có quan trọng với em không? Đọc thế nào để hiệu quả, nhất là với sách chuyên ngành?

– Dạ đối với em là hết sức quan trọng, nhất là đối với những môn chuyên ngành thì hầu như môn nào cũng có sách, cuốn nào cuốn nấy đều rất dày và nhiệm vụ của mình là phải đọc càng nhiều càng tốt.

Ban đầu thì em cũng rất nản khi cầm trên tay những cuốn sách dày như danh bạ điện thoại, nản nhất là những lúc đọc chương sau lại quên hết chương trước. Nhưng cũng may là trong lớp có một bạn có kỹ năng đọc khá tốt, nên bạn ấy cũng truyền cho em khá nhiều “chiêu” đọc hiệu quả. Em thì chỉ học được một chiêu thôi nhưng thấy khá là hay, đó là sau khi đọc mình nên tóm tắt lại tất cả những ý chính trong chương đó bằng cách hiểu của mình, viết sao cho mình hiểu và dễ nhớ thôi. Khi đó mình đọc sách là học một lần, tóm tắt lại là học hai lần nữa, nghe giảng là học ba lần, đến khi thi ôn lại phát nữa là bốn lần. Lúc đó kiến thức mới thiệt sự thấm vô đầu mình.

* Cảm ơn Khánh Nhân. Chúc em gặt hái nhiều thành công trong chặng đường chuyển tiếp tại Mỹ nhé!

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ CỦA LÊ KHÁNH NHÂN:

Thuở mới chân ướt chân ráo vào BK-OISP, Khánh Nhân đã tích cực tham gia các hoạt động Đoàn hội, cộng đồng của Nhà trường. Trong ảnh, Nhân – với vai trò thành viên Ban Tổ chức chương trình Cùng BK-OISP khám phá Bách Khoa dẫn đoàn học sinh THPT tham quan Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM.

Cực chững chạc trong bộ comple khi tham gia Presentation Contest 2012 (Khánh Nhân đứng thứ hai từ phải qua).

Với đồng môn Quản trị Kinh doanh chương trình Liên kết Quốc tế K2012, ngày cuối cùng trước khi các bạn cùng lên đường chuyển tiếp sang UIS, Mỹ (Nhân đứng thứ ba từ phải qua).

Cùng đồng môn đến chúc mừng thầy cô Khoa Quản lý Công nghiệp nhân Ngày Hiến chương nhà giáo 20/11 (Nhân đứng thứ hai từ phải qua).

Le Khanh Nhan 03

“Đột kích” một nhà máy ở Nhật trong chương trình học bổng Giao lưu SV Quốc tế. (Nhân đứng thứ hai từ phải qua, trông bạn í lúc này rất giống chú mèo máy Doraemon nhỉ! ^^) 

Vừa hạ cánh xuống đất Mỹ, Nhân và các bạn cùng khóa được đại diện Trường ĐH Illinois Springfield ra đón tận nơi (Nhân đứng thứ hai từ trái qua).

Thích thú với cảnh tuyết trắng xóa nơi đây. ^^

Không quên chụp hình cùng một cô bạn SV Hàn Quốc xinh xắn (trái) tại khu học xá của UIS.

Le Khanh Nhan 11

Trước “đại bản doanh” Khoa Doanh nghiệp và Quản trị – Trường ĐH Illinois Springfield, Mỹ.

LÝ LỊCH TRÍCH… XÉO CỦA LÊ KHÁNH NHÂN ^^

–  SV ngành Quản trị Kinh doanh K2012, chương trình Liên kết Quốc tế, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, hiện đang chuyển tiếp năm thứ III tại Trường ĐH Illinois Springfield (Mỹ)

–  Điểm Trung bình học tập tích lũy (GPA): 8.92; Điểm Rèn luyện: 10

–  Thành tích học tập:

  • 3 lần nhận học bổng học tập của BK-OISP
  • Là một trong bốn SV BK-OISP nhận học bổng Giao lưu SV quốc tế của Trường ĐH Công nghệ Toyohashi (Nhật Bản)

–  Thành tích hoạt động ngoại khóa:

  • Giải Nhất Film Festival OISP 2012
  • Giải Nhì Presentation Contest 2012 với dự án “Sách nói dành cho người mù”
  • Thành viên Ban Tổ chức OISP Camp 2012

THI CA (thực hiện) – Ảnh: nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp