Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Từ rớt NV1 đến kỹ sư được săn đón

Nguyen-Vinh-Khuong 01Kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) 2010, cậu học sinh Nguyễn Vĩnh Khương buồn nẫu ruột vì thiếu 1 điểm để vào ngành học mình thích: Điện – Điện tử, ĐH Bách Khoa TP.HCM (điểm chuẩn NV1 18,5). Khương không hề biết rằng, Điện – Điện tử vẫn đang chờ đón cậu ở một ngã rẽ khác, nếu ngày ấy cậu không biết đến chương trình Tiên tiến của ĐH Bách Khoa TP.HCM, mở ra hành trình trở thành một trong những kỹ sư năng lượng tái tạo trẻ được săn đón.

Kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) 2010, cậu học sinh Nguyễn Vĩnh Khương buồn nẫu ruột vì thiếu 1 điểm để vào ngành học mình thích: Điện – Điện tử, ĐH Bách Khoa TP.HCM (điểm chuẩn NV1 18,5). Khương không hề biết rằng, Điện – Điện tử vẫn đang chờ đón cậu ở một ngã rẽ khác, nếu ngày ấy cậu không biết đến chương trình Tiên tiến của ĐH Bách Khoa TP.HCM, mở ra hành trình trở thành một trong những kỹ sư năng lượng tái tạo trẻ được săn đón.

Năm ấy, điểm chuẩn chương trình Tiên tiến là 17 điểm. Cân nhắc kỹ, Khương quyết định chuyển ngành từ Công nghệ Vật liệu (NV2) sang Điện – Điện tử Tiên tiến với mô hình đào tạo hoàn toàn khác hẳn: học bằng tiếng Anh 100%.

Có thể nói, Nguyễn Vĩnh Khương là một trường hợp khá đặc biệt. Tuy có điểm đầu vào không cao (17,5) nhưng Khương đã có nhiều nỗ lực trong quá trình học tập ĐH để bứt phá thành sinh viên (SV) có điểm đầu ra thuộc top “đáng gờm”.

Khi người viết đặt hẹn phỏng vấn về vấn đề “vào thấp ra cao” (điểm đầu vào thấp, điểm đầu ra cao) với Nguyễn Vĩnh Khương, anh chàng tân kỹ sư Điện – Điện tử chương trình Tiên tiến ĐH Bách Khoa TP.HCM (K10) này không hề e ngại về trường hợp của mình, mà trái lại, rất cởi mở và chân thành chia sẻ phương pháp để học tập hiệu quả ở bậc ĐH.

* Được biết em có điểm thi ĐH là 17,5 (sát ngưỡng đầu vào của chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử), nhưng đã có nhiều vượt bậc đáng kể trong bốn năm học để đạt điểm trung bình học tập (GPA) 7,07 và luận văn tốt nghiệp đạt 8,79 (chuẩn 10). Em có thể chia sẻ phương pháp học tập của mình?

Nguyen-Vinh-Khuong 01

“Cực nhắng” trong ngày lễ tốt nghiệp ĐH.

– Bí quyết học tập của em là mỗi người phải có định hướng rõ ràng cho bản thân. Không thể chấp nhận một SV học đến năm cuối mà vẫn nói là “Tôi không biết ra trường mình sẽ làm gì”. Chúng ta phải xác định, điểm số đầu vào chưa cao là do mình thiếu may mắn trong thi cử, hay đó là giới hạn tối đa của chúng ta, sau đó tự đặt cho mình mục tiêu phấn đấu vừa sức và thực tế.

Lấy ví dụ: một bạn có ý định du học sau ĐH ở nước ngoài, mục tiêu của bạn sẽ là GPA > 7,0. Nhưng với một bạn có ý định chuyển tiếp sau hai năm học ở Bách Khoa, mục tiêu của bạn sẽ là GPA > 8,0. Còn với những bạn muốn có một công việc tốt sau khi ra trường, thì mục tiêu của bạn sẽ là GPA > 6,5.

“Mỗi nhà mỗi cảnh”, đừng tự đặt cho mình một áp lực quá lớn để khi không thực hiện được thì lại mau chán nản. Sau đó cần phân tích xem đâu là sở thích của mình, có những môn học mình rất yêu thích và mình sẽ cố gắng đạt điểm cao nhất có thể, để bù lại điểm số cho những môn mình chỉ muốn học cho xong.

Đầu mỗi khóa, các bạn nên tìm hiểu thông tin về chương trình đào tạo của ngành mình, so lại với định hướng sở thích của mình để biết đâu là những môn chủ lực, cần phải dồn sức tối đa. Cần tham khảo ý kiến của sinh viên khóa trên về kinh nghiệm học tập và cần tham dự đầy đủ các buổi học trên lớp.

Chất lượng đào tạo của OISP là khá tốt, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, sinh viên phải thực sự là người học tập một cách chủ động và muốn học. Nếu cho rằng thầy cô dắt tay chỉ việc mới là chất lượng tốt thì sinh viên đó không thể có kết quả mà mình mong muốn được.

* Với thành quả học tập ấy, Khương đã được một số doanh nghiệp tên tuổi ngỏ lời tuyển dụng ngay từ khi chưa tốt nghiệp?

– Dạ đúng ạ. Trong số đó, SolarBK (Mặt Trời Bách Khoa) – một doanh nghiệp về năng lượng mặt trời (đúng với sở trường của em), đã nhận em vào công tác ở vai trò Kỹ sư Điện Phát triển giải pháp. Nhờ tranh thủ thời gian học thêm tiếng Pháp và tiếng Hoa trong bốn năm ĐH nên em được đề cử vào vị trí điều phối dự án (project coordinator) tại thị trường nước ngoài với một mức lương đáng mơ ước của nhiều kỹ sư mới ra trường. Sắp tới, em sẽ bắt tay vào thực hiện dự án này tại những miền đất mới, nơi năng lượng mặt trời có thế mạnh hơn năng lượng điện lưới.

Nguyen-Vinh-Khuong 04

Với nhiều nỗ lực vượt bậc, Vĩnh Khương đã được một số doanh nghiệp tên tuổi chiêu mộ ngay từ khi chưa tốt nghiệp. Ảnh: Vĩnh Khương trong một chuyến công tác tại  Trạm Biến áp 110 kV Mộc Hoá, Long An.

* Từ trải nghiệm của bản thân, theo Khương, kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện nay đã đánh giá toàn diện và phân loại chính xác trình độ thí sinh chưa?

– Kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện nay và cho dù có thay đổi thế nào thì nó cũng không thể đánh giá chính xác sự thích nghi của thí sinh với môi trường ĐH. Chỉ có thể đánh giá một phần trình độ mà không thể đánh giá được tính thích nghi thì đương nhiên không thể đánh giá được toàn diện năng lực của thí sinh.

Bước vào ĐH, SV có tính thích nghi cao hơn sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế và dần bứt top, bỏ lại khá xa so với những SV tuy có điểm đầu vào ĐH cao hơn nhưng tính thích nghi với cách học mới lại kém hơn. Lấy ví dụ: tự học cũng phải có phương pháp. Một bạn quen cách học phổ thông, lấy sách giáo khoa làm kim chỉ nam, thì khi vô ĐH, giữa muôn trùng sách tham khảo, sẽ không biết chọn sách nào để tự học, tự đọc. Có bạn chỉ bám vô text-book của môn học mà không biết rằng có những quyển sách tham khảo khác viết dễ hiểu hơn rất nhiều.

* Học kỳ Pre-University (Pre-U) có lạ lẫm với Khương không trong những ngày đầu học tập tại OISP? Em nhận được gì từ nó, và theo em chương trình nên cải tiến khoản nào?

– Học kỳ Pre-U là một bước đệm phù hợp cho SV trước khi bước vào học kỳ chính thức ở ĐH. Đây có thể xem là một “con dao hai lưỡi”. Với những bạn biết tận dụng, học kỳ này là cơ hội để các bạn có thể tự tìm cho mình cách học hiệu quả ở bậc ĐH, năng động hóa bản thân sau các hoạt động nhóm và các công tác xã hội.

Tuy nhiên, với một số bạn, thành công về mặt điểm số ở Pre-U dường như khiến các bạn tự mãn, dẫn đến việc hụt hơi trong những bước chạy đà đầu tiên ở học kỳ chính thức. Với em, học kỳ Pre-U rất hữu ích cho các bạn SV, nhưng điều quan trọng hơn chính là tâm thế, liệu các bạn có muốn lột bỏ chiếc áo ngại ngùng, tự ti của mình để hòa vào môi trường tập thể năng động hay không? Một khi đã ở tâm thế sẵn sàng thích nghi với cách học tự chủ thì bạn mới thành công ở ĐH được.

* Em có thể chia sẻ về luận văn tốt nghiệp vừa rồi của mình?

– Với đề tài “Photovoltaic-Based Energy for Mobile Device Chargers”, em đã đạt được đúng điểm số em cần là 8,79. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải điểm số, mà là mình đã học được gì từ quá trình làm luận văn nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung. Luận văn tốt nghiệp là cơ hội để em vận dụng hết các kiến thức đã học trong bốn năm để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh, nên việc hoàn thành nó đúng như ý mình mong muốn đã chứng minh được là những kiến thức em học được từ chương trình Tiên tiến là vô cùng hữu ích.

Nguyen-Vinh-Khuong 03

Tại phòng thực hành Khoa Điện – Điện tử khi còn là SV.

* Định hướng nghề nghiệp tương lai của Khương là gì?

– Thực sự, em không cần việc lương cao, chỉ cần được làm công việc mình yêu thích. Chuyện em may mắn vừa được làm việc mà mình yêu thích (về ngành năng lượng xanh/ năng lượng tái tạo) và còn nhận lương cao chỉ là một trường hợp đặc biệt mà thôi. Nhưng cái em muốn, chính là vận dụng sở học của mình vào đúng ngành mình yêu thích để có được những trải nghiệm thực tế trước khi học lên cao hơn. Sau khoảng 3-4 năm làm việc, em dự tính sẽ học lên Master và PhD ở Vương quốc Anh hoặc Mỹ, hay bất kỳ nước nào có điều kiện phát triển về khoa học và kỹ thuật để tiếp thu thêm những cái mới lạ và bổ ích từ họ, phục vụ lâu dài cho công việc của mình về sau.

* Trong lời cảm ơn trên facebook cá nhân sau khi bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, Khương dành lời cảm ơn cho rất nhiều người. Ai là người để lại tình cảm sâu sắc nhất trong em?

– ĐH là một chặng đường dài bốn năm. Để hoàn thành bốn năm ấy một cách tốt đẹp, cần nền tảng từ mười mấy năm trước đó. Vậy nên thành quả của em là công sức của rất nhiều người, từ mẹ cha cho đến cô thầy, từ bạn bè cho đến anh chị khóa trước. Ở đây xin được đề cập đến bậc ĐH: người em mang ơn nhiều nhất chính là TS. Nguyễn Quang Nam, trưởng Bộ môn Thiết bị Điện, Khoa Điện – Điện tử, người đã hướng dẫn em làm luận văn tốt nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Với em, thầy còn hơn cả một người thầy hướng dẫn luận văn đơn thuần. Thầy chỉ cho em sự liên đới giữa các môn mà em đã học (vốn em chỉ nghĩ là học xong từng môn chứ không nghĩ đến sự liên quan giữa chúng), thầy chỉnh sửa cho em trong các báo cáo, truyền cho em đam mê về nghiên cứu khoa học và thầy còn tư vấn cho em xem hôm bảo vệ luận văn cần có tác phong thế nào, lựa chọn trang phục ra sao cho phù hợp nữa. Câu nói của thầy đã góp phần làm nên thành công của em trong quá trình nghiên cứu khoa học là như sau (xin được trích nguyên văn): “Người kỹ sư nên có biện pháp khắc phục những điểm không hợp lý của giải pháp, chứ không nên tìm cách lảng tránh nó.”

* Em còn dành những lời tình cảm cho cha mình…

– Ba em bị bệnh viêm gan C, một căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ở Việt Nam và trên thế giới. Ba phát hiện bệnh cách đây đúng 10 năm, nhưng em nghĩ rằng chính những thành công trong học tập và cuộc sống của em sẽ là liều thuốc tuyệt vời nhất để ba chống chọi bệnh tật. Em thích lời Việt của bài hát Papa (Paul Anka) có câu: “Sẽ còn đó ngày tháng cùng với cha tương lai con thăng hoa”. Và em luôn mong ba sẽ có đủ sức khỏe và nghị lực để có thể đồng hành cùng em thêm nhiều năm nữa trên con đường phía trước. Dĩ nhiên nói về ba cũng không thể không nhắc tới mẹ. Do điều kiện gia đình có bà già yếu nên mẹ phải ở nhà với bà, không có cơ hội đồng hành cùng em trong học tập, nhưng những hy sinh thầm lặng của mẹ, cũng là một động lực lớn lao để em nỗ lực hơn và trưởng thành hơn. 

Nguyen-Vinh-Khuong 02

Gia đình là nguồn động lực lớn lao cho những nỗ lực bền bỉ của Khương. Trong ảnh là cha (bìa trái), mẹ (bìa phải) và cô bạn thân thiết của Khương.

* Cảm ơn Khương vì cuộc trò chuyện và mến chúc em gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.

Nguyễn Vĩnh Khương (1992), vừa tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống Năng lượng – chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử ĐH Bách Khoa TP.HCM vào tháng 11/2014. Khương là một trong bốn SV chuyên ngành Hệ thống Năng lượng và một trong sáu SV chương trình Tiên tiến tốt nghiệp đúng hạn lần này.

Vào cuối tháng 12/2014, Khương sẽ lên đường sang Hong Kong tham dự hội thảo khoa học thường niên International Conference on Electrical Engineering and Computer Science (ICEECS) với đề tài “Design and Simulation of a Photovoltaic-Based Energy System for Mobile Device Chargers at Public Place”.

Theo Khương, để đánh giá chất lượng của một công trình nghiên cứu, các nhà khoa học phải trình bày công trình nghiên cứu của mình tại một hội nghị khoa học uy tín, sau đó đăng công trình ấy (dưới dạng bài báo) trên các tạp chí khoa học có tên tuổi như một hình thức ghi nhận thành quả nghiên cứu.

“Là một kỹ sư có định hướng nghiên cứu khoa học, em mong muốn nghiên cứu của mình được ghi nhận tại một hội nghị quốc tế uy tín để nâng cao chỉ số nghiên cứu khoa học. Quan trọng hơn, em được tiếp xúc với nhiều giáo sư giỏi của nước ngoài để tìm kiếm cơ hội làm nghiên cứu sinh quốc tế.”

THI CA (thực hiện) – Ảnh: nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp