Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Một tuần “Gõ cửa” tri thức: Rào cản kỹ năng làm việc nhóm

“Nhìn chung thì các bạn SV Nhật khá thụ động vì lý do ngoại ngữ, và các bạn Indo thì rất có tinh thần lắng nghe, duy chỉ có hai bạn Mã Lai thì hơi khó để nhập cuộc. Các bạn có những ý kiến hay và chia sẻ thú vị, nhưng thường không chịu lắng nghe ý kiến của nhóm và có xu hướng nước đến chân mới nhảy

“Nhìn chung thì các bạn SV Nhật khá thụ động vì lý do ngoại ngữ, và các bạn Indo thì rất có tinh thần lắng nghe, duy chỉ có hai bạn Mã Lai thì hơi khó để nhập cuộc. Các bạn có những ý kiến hay và chia sẻ thú vị, nhưng thường không chịu lắng nghe ý kiến của nhóm và có xu hướng nước đến chân mới nhảy.”

MỘT TUẦN “GÕ CỬA” TRI THỨC

PHẦN II: PHONG CÁCH LÀM VIỆC NHÓM VÀ THUYẾT TRÌNH

BẢO TÀNG CÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHỆ

Nếu nói đến ấn tượng nào sâu sắc nhất, phải kể đến Bảo tàng Công nghiệp và Công nghệ của thành phố Nagoya. Lần đầu nghe tên, tôi hầu như không có một chút khái niệm nào cụ thể. Tôi cứ thầm nghĩ, có lẽ, chỉ được nhìn thấy những chiếc máy to đồ sộ, cũ kỹ, rỉ sét, nằm đó với đầy vết tích của thời gian, và những dòng chữ chú thích dài mệt mỏi.

Thế nhưng, thực tế đã khiến tôi ngỡ ngàng, kích động như bị sét đánh.

Trước mắt tôi là hàng trăm động cơ, thiết bị máy sống động và vô cùng chân thực. Bên cạnh những thước phim tái dựng lại kết cấu, cũng như quá trình vận hành của từng chi tiết máy, chúng tôi còn được tận mắt quan sát nhân viên bảo tàng khởi động, thao tác máy làm ra sản phẩm. Lấy ví dụ như máy dệt, máy kéo sợi, cầm trên tay những cuộn sợi, những miếng vải nhỏ, nóng hổi, mà lòng tôi rộn ràng, thích thú.

Go-cua-tri-thuc part-2 01 

Trước mắt tôi là hàng trăm động cơ, thiết bị máy sống động.

Hơn thế nữa, hầu như chi tiết máy nào cũng có nút khởi động bên cạnh, khách tham quan thậm chí có thể tự mình xem xét được nguyên lý hoạt động của từng mẫu vật. Thú vị là, ngay bên cạnh sảnh đường chính còn có một tiệm hàng lưu niệm riêng bày bán sản phẩm của chính những mẫu vật trong bảo tàng làm ra, quả là “một công đôi việc” nhỉ?

Hai tiếng ở bảo tàng dường như không đủ cho chúng tôi khám phá hết mọi kỳ diệu ở nơi đây. Tôi như có thể nhìn thấy được dòng chảy của thời gian qua từng giai đoạn phát triển của từng mẫu vật, và không ngừng cuồn cuộn phát triển đến tương lai.

Từ những cỗ máy to đồ sộ, đến những chi tiết máy tinh vi, từ động cơ chạy bằng hơi nước thuở sơ khai đến những chiếc xe buýt thân thiện với môi trường, từ những chiếc máy dệt khổng lồ đến chú robot chơi đàn violin. Tất cả đều tái hiện lại cả một tiến trình của lịch sử về sự khai sinh và phát triển của tập đoàn Toyota – một trong những nền móng quan trọng của nền công nghiệp đồ sộ ở Nhật Bản.

Go-cua-tri-thuc part-2 02

Go-cua-tri-thuc part-2 03

Go-cua-tri-thuc part-2 04

Go-cua-tri-thuc part-2 05

Go-cua-tri-thuc part-2 06

Hai tiếng ở bảo tàng dường như không đủ cho chúng tôi khám phá hết mọi kỳ diệu ở nơi đây.

PHONG CÁCH LÀM VIỆC NHÓM VÀ THUYẾT TRÌNH

Ngay từ trước khi đi, dựa vào chuyên ngành cá nhân, chúng tôi đã được phân chia vào các nhóm khác nhau để chuẩn bị cho một bài thuyết trình nhỏ. Có tất cả là bảy chủ đề và chủ đề của nhóm tôi là “Future City”.

Không biết nhóm khác thì ra sao, ở nhóm tôi, việc thảo luận và chuẩn bị khá là khó khăn. Mặc dù trường đã dành ra ba buổi họp nhóm (mỗi buổi ba tiếng), và có trang bị sẵn cả laptop cho các nhóm, nhưng hiệu suất làm việc có vẻ không cao lắm. Sau một khoảng thời gian đáng kể để chào hỏi, làm quen, hầu hết các nhóm vẫn chưa đi vào nội dung của mình.

Ở nhóm tôi, do đặc trưng “có cặp có đôi”, hai bạn người Nhật, hai bạn người Malaysia, một cặp Indo và chỉ có một người Việt (là tôi) nên việc trao đổi giữa tôi và nhóm gặp chút trở ngại.

Lúc đầu, các bạn còn dùng Tiếng Anh, sau một lúc thì các bạn chuyển sang dùng tiếng bản ngữ và thế là đề tài bị trễ vô thời hạn… Không biết phải làm sao, tôi bắt đầu chủ động, gợi mở chủ đề bằng một vài câu hỏi và xin ý kiến của từng bạn. Chật vật mãi đến cuối giờ workshop thứ nhất, chúng tôi mới thống nhất đi đến một quyết định cuối cùng, bàn về vấn đề giao thông vận tải của các nước.

Thật ra, cả nhóm chỉ mất 15 phút để dàn xếp, nhưng chủ yếu là các bạn hơi mất tập trung và không định hướng được hướng đi rõ ràng, cụ thể.

Nhìn chung thì các bạn SV Nhật khá thụ động vì lý do ngoại ngữ, và các bạn Indo thì rất có tinh thần lắng nghe, duy chỉ có hai bạn Mã Lai thì hơi khó để nhập cuộc. Các bạn có những ý kiến hay và chia sẻ thú vị, nhưng thường không chịu lắng nghe ý kiến của nhóm và có xu hướng “nước đến chân mới nhảy”.

Mặc dù các đoàn có vẻ thư thả nhưng nhìn chung, các bạn đều cố gắng hoàn thành xong nội dung bài thuyết trình của mình. Thường thì tới giờ workshop cuối cùng, các bạn mới dồn hết sức vào hoàn thiện bài powerpoint của nhóm.

Quay trở lại với nhóm tôi, sau khi tôi góp ý kiến, đề ra dàn bài cụ thể, nhóm quyết định sẽ làm powerpoint riêng và sẽ có một bạn cuối cùng tổng hợp và chỉnh sửa thành một bài hoàn chỉnh. Các bạn Mã Lai chia sẻ rằng đó là cách làm việc nhóm phổ biến ở nước họ, cũng là một nét tương đồng chung trong hoạt động presentation ở châu Á chúng ta.

Cũng chính vì thế mà mang tiếng là hoạt động nhóm, nhưng chúng tôi đều làm việc riêng rẽ, nước nào làm nước ấy, không có sự trao đổi giao tiếp cần thiết giữa các thành viên. Đó cũng là một biểu hiện chung của các nhóm.

Go-cua-tri-thuc part-2 07 

Go-cua-tri-thuc part-2 08

Nhóm thuyết trình của chúng tôi.

Một điều nữa là dường như tất cả các nhóm đều “đốt cháy giai đoạn” phân chia và chuẩn bị bài nói trước khi thuyết trình. Các nhóm đều thiếu mất bước diễn tập chung, cũng như dàn xếp xem ai là người sẽ thuyết trình hay ai sẽ là người hỏi đáp. Nhóm tôi tuy có đề cập đến vấn đề này, nhưng mọi thứ khá là chóng vánh.

Ngày thuyết trình, ngoại trừ đoàn Indo mặc trang phục truyền thống và đoàn Việt Nam diện vest thì hầu như các bạn đều ăn mặc khá thoải mái. Thậm chí cùng một trường nhưng có bạn ăn mặc trang trọng, nhưng có bạn lại quần jeans, áo thun, thiếu sự thống nhất cả trong trường và trong nhóm.

Về phía sinh viên Nhật thì cũng chỉ vài bạn mặc vest theo đúng quy định trang trọng mà nhà trường quy định. Một lần nữa cho thấy sự khác biệt trong phong cách thuyết trình giữa các nước cũng như sự đặt nặng và tuân thủ quy tắc của từng đoàn. (Trường Toyohashi đã có thông báo trong buổi thuyết trình phải ăn mặc trang trọng và phù hợp.)

Theo kế hoạch ban đầu, mỗi nhóm có 15 phút trình bày và 5 phút trả lời câu hỏi. Sẽ có lần lượt ba hồi chuông vang lên thông báo cho các nhóm biết đã 14 phút trôi qua, đã hết giờ trình bày và đã hết thời gian hỏi đáp. Dù vậy, chỉ có hai nhóm là đạt yêu cầu còn những nhóm còn lại khá chật vật trong quản lý quỹ thời gian của mình. Điều này một phần cũng do thiếu sự sắp xếp trong nhóm và sự thoải mái trong thời gian thuyết trình ở hầu hết các nước.

Mỗi nhóm đều có một phong cách thuyết trình rất riêng, truyền thống, vui nhộn hay sáng tạo. Nhưng một lần nữa, các nhóm đều có xu hướng “chia để trị”, nước nào sẽ nói về nước đó và không có sự tương quan, so sánh về nội dung chủ đề, cả khi vấn đáp cũng thế.

Về nhóm tôi, chúng tôi cũng có trình bày về những điểm giống và khác nhau trong vấn nạn kẹt xe, cũng như các nguyên nhân và đề ra những phương pháp chung giải quyết mà các nước đang phát triển áp dụng. Nhưng khối lượng thông tin khá lớn, nên chúng tôi cuối cùng chúng tôi cũng bị lấn giờ.

Cuối cùng thì buổi presentation đã thành công mỹ mãn. Qua từng chủ đề, tôi đã được hiểu thêm về nền văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội cũng như cơ sở hạ tầng của các nước, nhận thức rõ ràng hơn về tiến độ phát triển, văn minh của thế giới cũng như vị trí và những nỗ lực hơn nữa của bản thân để góp phần xây dựng đất nước thêm giàu đẹp và hiện đại. 

THỔN THỨC

Một tuần ở xứ sở hoa anh đào, một tuần được tiếp cận với những nét đẹp văn hoá khác nhau trên thế giới, một tuần được chiêm ngưỡng thế giới công nghệ của thời đại mới, một tuần với biết bao suy ngẫm…

Chìm đắm trong niềm vui sướng được mở rộng vòng tay với bạn bè gần xa, choáng ngợp trước những sự diệu kỳ của khoa học công nghệ, dường như thế giới lúc này đã ko còn tròn nữa, dường như đã đc trải phẳng ra trên một bình diện, mọi người như xích lại gần nhau hơn. Không còn rào cản ngôn ngữ, không còn sự khác biệt tôn giáo, chỉ có sự thôi thúc của trái tim, của ham muốn học hỏi và yêu thương.

Tuy vậy, một khoảnh khắc nhìn lên bầu trời đầy mưa phùn nơi đây, giật mình như thấy bóng dáng hình chữ S thân thương. Lê bước trên những con đường dài và rộng, lại chạnh lòng nhớ những phiên chợ đêm, thân quen mà gần gũi. Nhớ những con người ngày đêm cặm cụi buôn bán, nhớ tiếng chị nhân viên quét rác mỗi đêm, nhớ những ngọn đèn đường soi dẫn lối đi cho dòng đời tấp nập.

Bấy giờ mới thấu hiểu nỗi lòng của những người con xa xứ, của những bài ca dao dân ca ăn sâu vào tiềm thức. Đặt tay lên ngực, trái tim “dòng máu Lạc Hồng” vẫn đập mãnh liệt, như từng phút từng giây thôi thúc hướng về quê cha đất tổ. Bởi vì “quê hương mỗi người chỉ một/ như là chỉ một mẹ thôi…”

Tự sự của TRỊNH TRẦN MAI KIM HOÀNG

Sinh viên K12 Xây dựng (chương trình Liên kết Quốc tế với ĐH Griffith, Úc)

Bài trước

Bài tiếp