Chính thức trao chứng nhận HCERES cho Đại học Bách Khoa

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) cùng với Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Đại học Xây dựng được Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) trao chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo tiêu chuẩn HCERES (châu Âu).

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) cùng với Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Đại học Xây dựng được Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) trao chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo tiêu chuẩn HCERES (châu Âu).

Kết quả công nhận về chất lượng ở mức cao nhất với thời hạn là năm năm (6/2017 – 6/2022) là sự công nhận đặc biệt xứng đáng cho những nỗ lực của Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) suốt những năm qua, minh chứng cho sự cam kết của nhà trường về chất lượng và sự minh bạch đối với xã hội và các bên liên quan, thúc đẩy văn hóa đảm bảo và cải tiến chất lượng liên tục.

Việc đạt kiểm định giúp khẳng định chất lượng đào tạo, nghiên cứu và các dịch vụ khác của trường; gia tăng cơ hội nghề nghiệp, học tập lên các trình độ cao hơn ở các nước tiên tiến trên thế giới cho người học. Bên cạnh đó còn giúp thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác phát triển bền vững với các đối tác trong và ngoài nước.

Le trao chung nhan HCERES 17102017 01

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga (giữa) và hiệu trưởng bốn trường đại học đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận kiểm định theo tiêu chuẩn châu Âu HCERES. – Ảnh: KIM CHI

► Đại học Bách Khoa đạt kiểm định HCERES theo tiêu chuẩn châu Âu

► Đại học đạt kiểm định quốc tế, sinh viên được gì?

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: “Bộ luôn khuyến khích các trường thực hiện kiểm định theo tiêu chí của khu vực và quốc tế. Đây là bốn trường đại học đầu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận. Nó khẳng định uy tín của bốn trường không chỉ ở phạm vi trong nước mà trên cả bình diện quốc tế, làm tăng cơ hội hợp tác với giáo dục đại học nước ngoài, thu hút sinh viên các nước đến học, tiến tới quốc tế hóa chương trình đào tạo.”

Theo những kết quả đã đạt được, ông Bùi Văn Ga mong muốn “bốn trường tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ và trách nhiệm cao nhất, huy động các nguồn lực để phát triển bền vững và nhân rộng. Đồng thời các trường cũng cần lưu ý khắc phục những điểm còn hạn chế theo các khuyến nghị của CTI và HCERES, đảm bảo chất lượng để được đánh giá và công nhận kiểm định trong chu kỳ tiếp theo.”

Le trao chung nhan HCERES 17102017 02a

GS. TS. Vũ Đình Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) nhận kiểm định HCERES từ ông Michel Cosnard – Chủ tịch HCERES. – Ảnh: DANH THẢO

Tại buổi lễ, ông Michel Cosnard – Chủ tịch HCERES cũng chia sẻ về quá trình tổ chức kiểm định làm việc với bốn trường từ tháng 10/2016. Trong đó, ông nhấn mạnh đến vai trò của báo cáo tự đánh giá của các trường. Chính độ trung thực, thực hiện chuyên nghiệp của báo cáo tự đánh giá sẽ có tính chất quyết định với việc tổ chức kiểm định có đồng ý thực hiện kiểm định và trao chứng chỉ kiểm định hay không.

HCERES là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo. HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học châu Âu (ENQA) và Bộ Tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong Hệ Giáo dục đại học châu Âu (EHEA).

Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm sáu lĩnh vực: chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu).

 

Phòng Công tác Chính trị – Sinh viên

Bài trước

Bài tiếp