Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Con đường danh nhân ở ĐH Quốc gia TP.HCM

Ý tưởng về một con đường trang trí bằng những bức tượng danh nhân văn hóa đang dần hình thành trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM.

Con duong danh nhan DH Quoc gia 01

Mẫu tượng Nguyễn Du bằng composite trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM. – Ảnh: NGỌC LÊ

Nếu ai đó đi qua khu vực Hồ Đá trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thấy một con đường đang hình thành với những bức tượng danh nhân, những bồn hoa, những chỗ nghỉ chân… trông đẹp mắt.

Đặc biệt, những bức tượng danh nhân đứng bên đường như Phan Chu Trinh, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Chu Văn An… sẽ tạo cho người đi đường một cảm giác 
”lạ lẫm”.

Ông Nguyễn Văn Nam, giám đốc quản lý xây dựng dự án của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Đây là ý tưởng làm một trục đường với những lối đi bộ, công viên nghỉ chân… cho sinh viên, được đặt những bức tượng danh nhân văn hóa để giúp sinh viên ôn lại và tự hào với những nhân vật lịch sử của dân tộc”.

Hiện nay, vườn tượng ở các khu du lịch và tôn giáo được hình thành khá nhiều. Tuy nhiên, vườn tượng phục vụ cho đối tượng sinh viên rất ít. Vườn tượng danh nhân tại khuôn viên ĐH Quốc Gia TP.HCM là ý tưởng nhiều tâm huyết của những cán bộ trong Ban Quản lý dự án ĐH Quốc Gia TP.HCM.

Theo quy hoạch ban đầu, khu vực Hồ Đá không có không gian dành cho điêu khắc. Sau đó, Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM đã cho dọn dẹp khu vực này sạch sẽ, tạo cảnh quan đẹp rồi lên kế hoạch mời các điêu khắc gia tạc 10 bức tượng danh nhân đặt ở đây. Trong đó, nữ điêu khắc gia Trần Thị Diệu Phượng đã được chọn.

Để xây dựng khu vườn tượng này, ĐH Quốc gia TP.HCM phải chắt chiu nguồn kinh phí từ ngân sách vì trong nguồn kinh phí nhà nước phân bổ không có khoản dành cho tượng. Vì thế, 10 bức tượng được làm theo từng năm, cứ mỗi năm hoàn thành 2 tượng. Hiện tại, các bức tượng chỉ mới là phác thảo composit.

Điêu khắc gia trẻ Trần Thị Diệu Phượng là người phụ trách dự án tạc tượng cho con đường trên. Chị cho biết dự án này bắt đầu từ năm 2011, với 10 tượng danh nhân được “đặt hàng” gồm: Lê Văn Hưu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Chu Văn An, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh.

“Lúc đầu các thầy bên ĐH Quốc gia TP.HCM muốn làm tượng chân dung, nhưng tôi đã thuyết phục các thầy làm một dự án gồm tượng đứng cao 2,2 m, tượng ngồi cao 1,7 m.

Một quần thể tượng như thế này khi đưa ra không gian ngoài trời sẽ tạo nên hiệu ứng và ý thức thẩm mỹ cho các bạn sinh viên nhiều hơn!” – chị Phượng chia sẻ.

“Công trình này thực hiện từ năm 2011, tôi tự bỏ kinh phí ra làm. Cuối năm, ĐH Quốc gia TP.HCM quyết toán ngân sách thì mới trả lại cho tôi. Để làm được những bức tượng này, các thầy phải yêu thích và tâm huyết mới thực hiện được” – điêu khắc gia Trần Thị Diệu Phượng cho biết.

Theo tác giả, 10 tượng danh nhân chị làm theo phong cách cổ điển. Những bức tượng được tạc nhẹ nhàng, hiền hòa. Sự dung dị được truyền tải qua nếp áo, nét mặt; tay chân đều đơn giản, không có những hình khối gắt, nhìn những bức tượng hình ô van gợi lên cảm giác êm ả. Đó là quan điểm xuyên suốt trong các tác phẩm tượng danh nhân ở đây.

Chị Trần Thị Diệu Phượng cho biết thêm: “Lúc đầu thực hiện dự án này, các thầy bên ĐH Quốc gia cũng băn khoăn, ngần ngại lắm. Các thầy sợ nếu làm không khéo sẽ bị tai tiếng như từng xảy ra trong lĩnh vực tượng đài từ trước đến nay.

Tôi phải thuyết phục các thầy rất “quyết liệt”, bởi kinh phí cho dự án này là nhỏ, nhưng ý nghĩa cộng đồng của nó thì lớn, như vậy mới bắt tay vô 
mà làm!”.

Quả thực, thay vì xây dựng những tượng đài lãng phí, việc đưa những bức tượng nhỏ vào phục vụ đời sống cộng đồng đang là lời kêu gọi của các điêu khắc gia từ trước tới nay. Nhưng để biết “chơi” tượng quả không phải là dễ.

Một điêu khắc gia tên tuổi cho biết lúc đầu bên ĐH Quốc gia TP.HCM đề nghị anh thực hiện dự án này nhưng vì lo ngại với số kinh phí đưa ra e sẽ không đảm bảo cho chất lượng nghệ thuật công trình nên anh xin rút.

Tuy nhiên, với một điêu khắc gia trẻ “lấy công làm lời” như Trần Thị Diệu Phượng thì vẫn đủ nhiệt tâm để tiến hành dự án. Những bức tượng đặt trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM hiện nay chỉ là những tượng mẫu bằng composite.

Chị Phượng đang thực hiện tạc tượng thật bằng đá granit tại xưởng ở quận 9 (TP.HCM) của chị. Một khi đưa ra ngoài trời, chất liệu đá granit sẽ tạo hiệu ứng nghệ thuật và độ bền vững tốt hơn những tượng composite mẫu.

Còn nhiều việc để hoàn thành, nhưng ý tưởng về một con đường với những bức tượng danh nhân trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM là điều thật sự có ý nghĩa với môi trường học tập của sinh viên, cũng là một chuyển động đáng mừng trong đời sống văn hóa hiện nay.

CẢNH VẬT SÁNG SỦA, TINH THẦN HIỀN HÒA 

Con duong danh nhan DH Quoc gia 02

Con đường trở nên hiền hòa và thi vị hơn với sự xuất hiện của những bức tượng. Trong ảnh: tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Ảnh: TRẦN MINH HỢP

Mẫu tượng Nguyễn Trãi – Ảnh: TRẦN MINH HỢP

Từ ngày có những bức tượng, mọi người qua lại trên con đường đều cảm nhận sự thay đổi của khu vực này, đều thấy những giá trị đẹp không chỉ ở khung cảnh mà cả tinh thần.

Với anh Nguyễn Đức Lâm, hiện làm việc tại khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM, từng gắn bó với con đường này từ thời sinh viên, anh cảm thấy khu vực Hồ Đá có sự thay đổi bình yên hơn. Trước đây con đường còn hoang vu và chỉ rợn người về tin tức chết đuối và sự mất an ninh trật tự.

Anh Nguyễn Hữu Phú – nhân viên an ninh trật tự ĐH Quốc gia TP.HCM, người “trực chiến” tại chốt an ninh đầu con đường vào Hồ Đá – cũng thấy khung cảnh nơi đây ngày càng sáng sủa hơn. Làm việc suốt nhưng lúc rảnh nhìn những bức tượng, anh lại thấy nhẹ nhàng, hoài nhớ về những ông đồ thời xa xưa.

Và hơn ai hết, các bạn sinh viên là những người cảm thấy vui và ấm lòng trước sự thay đổi rất đẹp của con đường. Bạn Trần Thị Huyền – Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa TP.HCM – kể sinh viên thường đố nhau bức tượng đó là ai rồi cùng chia sẻ thông tin về những bậc hiền tài. Và có lẽ bất kỳ ai đi ngang con đường danh nhân này cũng sẽ cảm thấy không gian sống đang trở nên hiền hòa hơn.

Được biết, bên cạnh Con đường danh nhân dẫn ra Hồ Đá của Trường, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đang làm tượng đài vua Quang Trung đặt tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh sinh viên, dự kiến hoàn thành vào quý I/2016.

GÓP Ý CHO KHU VƯỜN TƯỢNG

Nghe nói về khu vườn tượng danh nhân ở ĐH Quốc gia TP.HCM, phó tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, ông Nguyễn Hạnh, tìm đến để tận mắt tìm hiểu ý tưởng hay này. Tuy nhiên, với quan điểm của nhà nghiên cứu sử học, ông Hạnh cho rằng không gian văn hóa của khu vườn tượng chưa đạt. Cụ thể, tượng sắp đặt chưa theo trình tự khoa học, niên đại. Việc chọn tượng danh nhân cũng chưa có tiêu chí nào. Đi vào chi tiết thì trang phục của các bức tượng quá đơn giản, chưa toát lên nét đặc trưng trang phục của quan văn, quan võ trong mỗi thời kỳ lịch sử.

“Tôi đánh giá cao tâm huyết của chủ đầu tư và điêu khắc gia nhưng cần khắc phục những hạn chế này và cũng nên lấy ý kiến những nhà chuyên môn để đề ra những tiêu chí chọn lựa các danh nhân. Bởi lẽ, một con đường mà đặt lộn xộn các danh nhân như vậy là chưa ổn” – ông Nguyễn Hạnh nhận xét.

Về ngôn ngữ điêu khắc, theo ThS. Nguyễn Đỗ Đông, Khoa Kiến trúc – Mỹ thuật Trường ĐH Hutech, những bức tượng danh nhân ở ĐH Quốc gia TP.HCM không “ăn nhập” với không gian. Không gian ngoài trời nhiều ánh sáng thì tượng nên cách điệu để phù hợp với ngôn ngữ điêu khắc hiện đại: chắc khỏe và chỉ nên gợi khối. Còn tượng đặc tả thì chỉ phù hợp với không gian đình chùa, lăng tẩm.

“Tượng điêu khắc không chỉ có mô phỏng cho giống, cần có chiều sâu về không gian và thời gian vì tượng đài là để nhiều năm. Do đó, tượng cần thể hiện được ngôn ngữ nghệ thuật của thời điểm hiện tại, để thời đại sau nhìn vào sẽ hiểu được ngôn ngữ điêu khắc của giai đoạn này. Thêm vào đó, những bức tượng này chưa phù hợp với các khối nhà đã có sẵn” – ThS. Đông nêu ý kiến.

Theo điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền, giảng viên Khoa Điêu khắc Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, một tác phẩm điêu khắc đặt ngoài trời cần có ba yếu tố: không gian, kiến trúc xung quanh, không gian văn hóa và môi trường sống. Trong đó, yếu tố không gian quan trọng nhất, nó sẽ quyết định về kích thước, hình thức, ngôn ngữ và màu sắc của tượng.

Nhận xét về những bức tượng danh nhân ở ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Tuyền cho rằng tượng và không gian không có sự liên quan đến nhau. “Có thể nói, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều có tình trạng giống nhau là các tượng ngoài trời với mục đích chủ yếu là tượng để thờ, kỷ niệm hay tôn vinh một cá nhân nào đó. Có rất ít tượng mang tính không gian, tính nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó”.

Tới đây, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức một hội thảo, mời những kiến trúc sư để lấy ý kiến về việc bố trí 10 bức tượng danh nhân văn hóa.

NGỌC LÊ (Người Lao Động)

QUANG THI, TRẦN MINH HỢP (Tuổi Trẻ)

Bài trước

Bài tiếp